Main Menu for Blog (Mega Dropdown)



..::: HAPPY LUNAR NEW YEAR 2021 - YEAR OF THE OX :::..

Friday, March 25, 2011

Cách thoát nạn khi có động đất


Một nạn nhân sống sót trong trận động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc tháng 5/2008. Ảnh Xinhua.
Nếu bạn đang ở trong các tòa nhà cao tầng khi xảy ra động đất lớn, việc trước tiên là chui xuống gầm bàn chắc chắn, chứ không phải tìm cách chạy ra ngoài.
Sau trận động đất sáng nay ở ngoài khơi bờ biển Phan Thiết, làm rung nhẹ nhiều tòa nhà ở Vũng Tàu, TP HCM và các tỉnh lân cận sáng nay, nhiều bạn đọc bày tỏ lo ngại về cách giữ an toàn khi động đất xảy ra.
Ông Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Vật lý Địa cầu, đưa ra vài lời khuyên sau:
Khi xảy ra động đất lớn, với những rung lắc cảm thấy rõ rệt và đồ đạc nhảy, rơi, nứt tường...
- Nếu đang đi ngoài đường, bạn nên dừng lại, tránh xa các khu nhà cao tầng, đường điện và các công trình có thể sụp đổ.
- Nếu đang ở trong các nhà cao tầng, nên chui ngay xuống gầm bàn (gầm ghế hoặc gầm giường) chắc chắn, để tránh các đồ vật rơi xuống làm bị thương. Không nên tìm cách chạy ra khỏi nhà lúc này vì không kịp (động đất xảy ra chỉ trong vài giây).
- Tuy nhiên, khi động đất mạnh qua đi, bạn nên tìm cách đi ra xa khỏi tòa nhà để tránh dư chấn tiếp tục xảy ra, có nguy cơ làm sập đổ nhà hoặc gây thương tích lớn.
Ông cũng khuyến cáo khi có động đất lớn, người dân nên tuần tự đi theo cầu thang bộ thoát hiểm ra ngoài, không nên xô đẩy chạy ra khỏi các tòa nhà khi có biến, vì việc xô đẩy, giẫm đạp lên nhau vừa làm chậm trễ, vừa gây thương tích, thậm chí thiệt mạng.
"Với những động đất yếu như vừa xảy ra ở Phan Thiết, chỉ gây rung lắc nhẹ, người dân không cần phải đi ra khỏi nhà", ông Minh cho biết.
Và đây là một số lời khuyên của Trung tâm Quản lý tình huống khẩn cấp Mỹ, trong trường hợp có động đất:
Nếu bạn ở trong phòng

- Chui xuống gầm một chiếc bàn vững chắc, chờ cho đến khi mặt đất ngừng rung chuyển. Nếu ở gần bạn không có chiếc bàn nào, hãy dùng tay ôm lấy mặt, đầu và ngồi vào một góc nhà; Tránh xa cửa kính, gương, cửa ra vào và bất cứ vật gì có thể đổ. Nếu đang ở trên giường, hãy ở nguyên tại đó, bảo vệ đầu bằng một chiếc gối.
- Ở trong nhà cho đến khi mặt đất ngừng rung và khi bạn biết chắc rằng ra ngoài là an toàn;
- Không sử dụng thang máy (vì thang máy có thể mất điện, người bị kẹt trong đó, và thang cũng không thể chở nhiều người một lúc).

Nếu bạn ở ngoài trời

- Bạn tuyệt đối không nên chạy vào trong nhà, tránh xa các cột đèn đường hay dây điện và ở nguyên ngoài trời cho đến khi mặt đất ngừng rung. Mối nguy cơ lớn nhất xuất phát từ chính cửa ra vào các tòa nhà và các bức tường bên ngoài. Mặt đất rung chuyển rất hiếm khi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong. Phần lớn thương vong do động đất xuất phát từ tường đổ, kính vỡ, các vật rơi xuống đất.

Nếu đang trên xe ôtô
- Ngừng xe ngay lập tức ở vị trí cho phép và ở lại trong xe. Tránh đỗ xe ở dưới hoặc gần các tòa nhà, cây cối, các cây cầu bắc qua đường, đường dây điện. Di chuyển cẩn trọng sau khi mặt đất ngừng rung chuyển. Tránh các con đường, cầu, dốc bị động đất gây hư hại.

Nếu bị mắc kẹt dưới đống đổ nát

- Không bật diêm hay hộp quẹt; Không di chuyển hoặc làm tung bụi lên mù mịt; Che miệng bằng khăn tay hoặc một mảnh vải; Gõ vào một đường ống hoặc mảnh tường để nhân viên cứu hộ có thể xác định vị trí bạn bị mắc kẹt. Hô lớn chỉ là giải pháp cuối cùng.

Nếu đang ở trong siêu thị đông người

- Không nên đổ xô đến lối ra. Tránh xa những kệ hàng chứa các vật dễ rơi.

Nếu đang ở trong sân vận động hoặc rạp hát

- Ngồi lại trong ghế, dùng tay bảo vệ đầu. Đừng nên di chuyển cho đến khi hết chấn động. Nếu thấy mọi thứ đã ổn, rời khỏi đó một cách trật tự.
Năm 2004, chuyên gia cứu hộ Doug Copp (Đội trưởng đội cứu hộ thuộc Tổ chức American Rescue Team International) đã gây xôn xao dư luận vì đưa ra những khuyến cáo đi ngược lại lời khuyên an toàn của của Hội chữ thập đỏ quốc gia Mỹ. Cụ thể, Doug Copp cho rằng:
- Những người ẩn náu xuống gầm bàn khi có động đất rất dễ chết. Ông đưa ra lý thuyết "tam giác của sự sống", theo đó, người ở trong nhà nên nằm xuống bên cạnh các đồ vật như bàn, tràng kỷ, giường..., vì khi tường, trần nhà đổ xuống đè lên các vật này, nó sẽ tạo ra các khoảng trống ở ngay bên cạnh đó, tạo ra tam giác sống mà người ta có thể trú ẩn được.
Lý thuyết "tam giác của sự sống" của Doug Copp: Ông cho rằng người ta sẽ sống sót nếu nằm ở bên cạnh các vật như bàn, tràng kỷ khi có động đất, thay vì chui vào đó, bởi trần nhà sập xuống sẽ tạo ra khoảng trống hình tam giác ở ngay bên cạnh những đồ vật này.
"Lần tới khi bạn xem một toà nhà sụp đổ, trên tivi, hãy đếm 'các tam giác' được hình thành mà bạn thấy. Chúng có ở mọi nơi. Nó có hình dạng chung nhất, bạn sẽ thấy trong các toà nhà bị đổ sập", ông viết.
- Nếu không thể thoát ra ngoài, hãy nằm xuống và cuộn tròn trong tư thế bào thai ngay cạnh một chiếc tràng kỷ hay một ghế lớn. Bạn có thể sống sót trong một khoảng trống nhỏ hơn.
- Nếu bạn đang trên giường trong đêm và một trận động đất xảy ra, đơn giản là lăn khỏi giường, cuộn tròn và nằm cạnh đó. Một khoảng trống an toàn sẽ tồn tại gần giường.
- Tránh xa các ô cửa và rầm cửa.
- Không bao giờ được đi vào cầu thang. Các cầu thang dao động riêng rẽ với các phần chính của toà nhà. Cầu thang và phần còn lại của toà nhà tiếp tục va đập vào nhau cho đến khi cấu trúc cầu thang gãy. Những người đi vào cầu thang trước khi chúng gãy sẽ bị băm nhỏ bởi các mặt cầu thang. Thậm chí nếu toà nhà không sụp đổ, hãy tránh xa cầu thang.
- Đứng ở sâu trong tòa nhà, bạn càng khó chạy thoát. Hãy di chuyển ra phía ngoài.

Thang MSK-64 gồm 12 cấp, được Hội đồng địa chấn châu Âu thông qua năm 1964.
Cấp 1: Động đất không cảm thấy, chỉ có máy mới ghi nhận được.
Cấp 2: Động đất ít cảm thấy (rất nhẹ). Trong những trường hợp riêng lẻ, chỉ có người nào đang ở trạng thái yên tĩnh mới cảm thấy được.
Cấp 3: Động đất yếu. Ít người nhận biết được động đất. Chấn động y như tạo ra bởi một ôtô vận tải nhẹ chạy qua.
Cấp 4: Động đất nhận thấy rõ. Nhiều người nhận biết động đất, cửa kính có thể kêu lạch cạch.
Cấp 5: Thức tỉnh. Nhiều người ngủ bị tỉnh giấc, đồ vật treo đu đưa.
Cấp 6: Đa số người cảm thấy động đất, nhà cửa bị rung nhẹ, lớp vữa bị rạn.
Cấp 7: Hư hại nhà cửa. Đa số người sợ hãi, nhiều người khó đứng vững, nứt lớp vữa, tường bị rạn nứt.
Cấp 8: Phá hoại nhà cửa; Tường nhà bị nứt lớn, mái hiên và ống khói bị rơi.
Cấp 9: Hư hại hoàn toàn nhà cửa; nền đất có thể bị nứt rộng 10 cm.
Cấp 10: Phá hoại hoàn toàn nhà cửa. Nhiều nhà bị sụp đổ, nền đất có thể bị nứt rộng đến 1 mét.
Cấp 11: Động đất gây thảm họa. Nhà, cầu, đập nước và đường sắt bị hư hại nặng, mặt đất bị biến dạng, vết nứt rộng, sụp đổ lớn ở núi.
Cấp 12: Thay đổi địa hình. Phá huỷ mọi công trình ở trên và dưới mặt đất, thay đổi địa hình trên diện tích lớn, thay đổi cả dòng sông, nhìn thấy mặt đất nổi sóng.

Wednesday, March 23, 2011

Những tính năng mới của Firefox 4!


- Giao diện được tút lại lại bắt bắt với hiệu ứng trong suốt.
- Động cơ JavaScript mới cho tốc độ xử lý và lướt web vượt trội.
- Tương thích tốt với các chuẩn web mới nhất.
- Thay menu File bằng biểu tượng Firefox màu cam.
- Cho phép đưa thanh chứa thẻ lên trên thanh Address, ẩn/hiện thanh menu và thanh Add-on rất linh hoạt.
- Đồng bộ dữ liệu (lịch sử duyệt web, bookmark, thiết lập, mật khẩu đã lưu, thẻ đang mở,...) giữa hai máy tính, hoặc giữa máy tính với thiết bị di động.
- Tính năng Panorama (kích hoạt bằng tổ hợp phím Ctrl + Shift + E) hỗ trợ sắp xếp các thẻ vào từng nhóm chủ đề.
- Thu gọn thẻ thành biểu tượng.
- Tính năng tăng tốc phần cứng với GPU.
- Xem được định dạng video mới WebM.
- Ngăn các website theo dấu vết lướt web của người dùng.

Sunday, March 20, 2011

Thư của cảnh sát Nhật, gốc Việt từ vùng động đất

Tác giả: Tuần Việt Nam


Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn đất nước đó sẽ hồi sinh mạnh hơn, nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

LTS: Rất tình cờ, Tuần Việt Nam chúng tôi đọc được lá thư của một người cảnh sát Nhật, gốc Việt có tên là Hà Minh Thành phản hồi bài viết "Nhật Bản - một đất nước thực sự vĩ đại" đăng trên blog của TS Nguyễn Đình Đăng. TS Vật lý Nguyễn Đình Đăng, hiện đang làm việc và sống ở Tokyo. Lá thư kể về những câu chuyện cảm động, cho thấy tính cách, văn hóa và đạo lý sống của người Nhật trong thảm họa. Mới hiểu vì sao Nhật Bản là một quốc gia hùng mạnh. Tuần Việt Nam đã biên tập và trân trọng đăng tải bức thư dưới đây.

Và xin được cảm ơn ông Hà MinhThành. Chúc ông sức khỏe, tràn đầy niềm tin và may mắn để cùng với đồng đội, và người dân Nhật Bản vượt qua đau thương khủng khiếp những ngày này.

Xin chào anh Đăng,

Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành.

Hiện tại tôi đang được tăng cường công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima. Chỗ tôi làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người thôi.

Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp.

Ký giả của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin. Khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất, chắc cũng vài chục triệu yên, nhưng mà chẳng ai thèm nhặt, đã phải thốt lên: "50 năm nữa , kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ."

Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ, còn người Việt mình bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy? Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn. Nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất, đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn, bài học về làm người.

Tối hôm kia, tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng, tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi.

Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng. Tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn, nên mới lại hỏi thăm. Nó kể đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến. Cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường, nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp.

Trong thảm họa người Nhật vẫn biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác

Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".

Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Tôi nghe, mà phải vội quay mặt đi chỗ khác để khóc, cho nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn đất nước đó sẽ hồi sinh mạnh hơn, nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư- sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi, đó là "Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật". Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được.

Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn. Còn nó cho đi cả bữa tối của nó một cách vô tư không so đo, dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi.

Xưa nay tôi không phục lắm người Nhật từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự.

Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn an ninh, hiện tại tụi tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục nylon. Ông Kan sáng nay họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông. Tôi không phải chuyên ngành về nguyên tử lực như anh nên không hiểu lắm về tác hại của phóng xạ. Nhưng tôi nghĩ chăc rất nguy hiểm.

Anh Đăng nếu được, nên sắp xếp cho vợ con về VN trước thì tốt nhất. Tôi sợ tới lúc xấu nhất không còn vé máy bay. Tôi thì bà xã là người Nhật, con gái cũng mới ra trường làm y tá và cũng đang hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này.

Tôi hỏi con gái: "Tình hình có vẻ nguy hiểm, con có muốn đi VN lánh nạn không". Con gái tôi trả lời: "Đi đâu bây giờ cha? Xung quanh con với cha người ta chết với bị thương hàng hàng lớp lớp. Không lẽ bỏ chạy. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó." Tôi gọi điện thoại về hỏi bà vợ tôi tính sao, có cần về quê chồng tạm lánh nạn một mình không. Bà xã tôi nói rằng người Nhật của họ, 36 kế của Tôn Tử binh pháp, họ chỉ dùng được tới cái kế 35.

Cái chước cuối cùng "tẩu vi thượng sách" không có chỗ dùng vì cái xứ đảo này không có chỗ nào để mà chạy nữa. Còn tôi, thân phận dính líu tới cái Tổ quốc thứ hai này rồi. Vợ con không bỏ chạy, không lẽ một mình tôi bỏ nhiệm sở. Già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả. Mang ơn nghĩa với đất nước này cũng nhiều, thì bây giờ đến lúc có cơ hội để trả ơn.

Nhưng tôi vẫn hy vọng không có gì xảy ra, để khoảng 3 tuần nữa là có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp anh Đăng nếu anh còn ở Nhật, anh em mình tâm sự nhiều hơn.

Năm nay tôi 56 tuổi, có lẽ cũng cỡ tuổi anh.

Chúc anh và gia quyến an toàn.

Hà Minh Thành

Monday, March 14, 2011

Ngủ trưa giúp ta học giỏi hơn

Nếu con người ngủ một lúc trước khi tiếp thu kiến thức, khả năng ghi nhớ thông tin của não sẽ tăng đáng kể.

Ảnh minh họa:
Ảnh minh họa: wordpress.com.



Một nghiên cứu mới đây cho thấy con người nhớ được nhiều thông tin hơn nếu ngủ ngắn ngay sau khi học. Tuy nhiên, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu tác dụng của giấc ngủ trước khi học đối với khả năng ghi nhớ.
Livescience đưa tin các nhà tâm lý của Đại học California tại Mỹ mời 44 người tình nguyện tới phòng thí nghiệm vào buổi sáng Tại đây tình nguyện viên phải ghi nhớ 50 khuôn mặt tương ứng với 50 tên người. Sau đó các chuyên gia yêu cầu họ nhớ lại các khuôn mặt, tên và ghép chúng thành từng cặp. Với mỗi cặp tên-mặt chính xác họ được tính một điểm.
Thử nghiệm được lặp lại lần thứ hai vào buổi chiều, nhưng lần này một nửa số người tình nguyện phải cố gắng ngủ trong khoảng thời gian từ 14h tới 15h40 trước khi ghi nhớ tên và khuôn mặt. Những người còn lại làm các công việc hàng ngày để giết thời gian. Tới 18h, cả hai nhóm thể hiện khả năng ghi nhớ của họ.
Kết quả cho thấy số điểm của những người không ngủ trong bài kiểm tra buổi chiều thấp hơn 12% so với buổi sáng. Ngược lại, số điểm của nhóm ngủ vào buổi chiều cao hơn so với buổi sáng 10%. Nếu chỉ tính kết quả thi trung bình vào buổi chiều, điểm của nhóm ngủ cao hơn nhóm thức 20%.
"Hóa ra ngủ sau khi học vẫn chưa đủ. Chúng ta cũng nên ngủ trước khi học", giáo sư Matthew Walker, một chuyên gia tâm lý và thần kinh của Đại học California phát biểu.
Việt Linh
Jump to Top
Jump to Center
Jump to Bottom